Trong những ngày đầu tháng 10-2021, có khoảng 60.000 lao động ngoại tỉnh từ thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương về quê. Tuy nhiên, riêng thành phố Hồ Chí Minh lại đang cần khoảng 45.000 người làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất, cơ sở kinh doanh vừa hoạt động trở lại sau cao điểm chống dịch Covid-19. Các ban, ngành chức năng đang của thành phố khẩn trương tìm giải pháp cho bài toán cân bằng nhu cầu về nhân lực này.
Thiếu hụt nhiều lao động
Theo thống kê của Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, có khoảng 288.000 công nhân làm việc tại doanh nghiệp thuộc Ban quản lý. Tuy nhiên, do dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động hoặc cắt giảm nhân công để thực hiện làm việc theo phương thức ăn, nghỉ, làm tại chỗ (3 tại chỗ) hoặc "2 cung đường, 1 điểm đến", nên tính đến đầu tháng 10-2021, con số này chỉ còn khoảng 135.000 người, bằng 46% tổng số công nhân trước dịch.
Còn theo Ban Quản lý khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, bình thường số công nhân làm việc tại đây là 50.000 người, nhưng đến đầu tháng 10 chỉ còn khoảng 25.000 người. Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khu công nghệ cao có khoảng 40.000 người làm việc sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh; 10.000 người còn lại sống ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, hằng ngày đi làm.
“Sau cao điểm chống dịch, số công nhân trở lại làm việc tại khu công nghệ cao sẽ gần như đông đủ. Nhưng các nhà máy trong khu chế xuất, khu công nghiệp chắc sẽ phải nỗ lực tìm đủ lao động để sớm hoạt động trở lại”, ông Phạm Đức Hải nói.
Có một nghịch lý đang tồn tại, đó là chỉ trong 4 ngày đầu tháng 10-2021, đã có khoảng 60.000 công nhân từ thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương về quê ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, chỉ trong 4 ngày đầu tháng 10, có 5.247 doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh hoạt động trở lại; hơn 25.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh mở cửa. Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong quý IV-2021, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh là khoảng 43.600-56.600 người.
Từng bước giải quyết vấn đề
Trong dòng người từ các tỉnh Đông Nam Bộ về quê mấy ngày qua, có những hoàn cảnh rất khác nhau. Anh Trương Thanh Liêm, quê Cần Thơ cho biết, suốt 4 tháng qua, công ty tại Đồng Nai ngưng việc, anh cùng vợ và 2 con sống qua ngày bằng tiền trợ cấp và thực phẩm hỗ trợ của chính quyền. Nay việc đi lại được nới lỏng, anh đưa 2 con về quê, vợ vẫn ở lại Đồng Nai chờ công ty gọi đi làm.
Còn anh Hoàng Nghĩa Phong, quê ở Hậu Giang, làm tại một nhà máy trong Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tôi đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin, nhận trợ cấp tiền mặt và lương thực của chính quyền. Tôi không thiếu đói. Vì đã lâu không về quê nên khi thành phố nới lỏng đi lại, công ty chưa gọi đi làm, tôi và mấy người bạn rủ nhau về thăm nhà...”.
Song song với việc tăng cường tuyên truyền, thuyết phục người lao động có điều kiện ở lại thành phố để đi làm trở lại, chính quyền và doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh còn triển khai nhiều giải pháp khác. Bà Nguyễn Thị Thùy Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Long Rich (Khu chế xuất Linh Trung 2, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) thông tin, trước khi phải tạm ngưng sản xuất để phòng, chống dịch, doanh nghiệp có 4.000 công nhân. Nay số người ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ khoảng 900 người. Trong đợt đầu đi làm, mới có 125 người đến nhà máy.
“Công ty tiếp tục nhắn tin mời người lao động ở các địa phương đi làm trở lại; những ai chưa tiêm vắc xin sẽ được tiêm đủ. Tuy nhiên, việc đi lại giữa các địa phương còn khó khăn, đề nghị các cơ quan hữu quan sớm có phương án giải quyết vấn đề này”, bà Nguyễn Thị Thùy Vân nói.
Để giải quyết tình trạng này, UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất UBND 4 tỉnh giáp ranh là Long An, Tây Ninh, Bình Dương và Đồng Nai cho phép người cư trú trên địa bàn có đủ điều kiện an toàn dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải được đi lại hằng ngày để làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh; thống nhất tiêu chí đón người lao động từ ngoài vùng vào làm việc.
Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cho biết: “Thành phố cũng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước để phối hợp đưa người lao động trở lại làm việc. Theo đó, những người này cần được địa phương nơi đi đồng ý cho đi; có đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nơi đến tiếp nhận. UBND thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức các chuyến xe, chuyến tàu đưa người lao động trở lại thành phố làm việc theo từng đoàn, bảo đảm an toàn phòng dịch”.
Theo hanoimoi.com.vn