Chiều 21/4/2024, tại Hòa Lạc, Trung tâm Dự báo và Phát triển Nguồn nhân lực, ĐHQGHN đã phối hợp cùng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN tổ chức hoạt động trải nghiệm, tham quan không gian văn hóa, lịch sử tại Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam cho hơn 400 sinh viên. Đây là một trong số những hoạt động nằm trong đề án “Chương trình đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên năm thứ nhất tại Hòa Lạc”.
Ngày 12/7/2023, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã ký Quyết định số 2457/QĐ-ĐHQGHN phê duyệt Đề án “Chương trình giáo dục toàn diện cho sinh viên chính quy năm thứ nhất học tập tại Hòa Lạc”. Đề án nhằm tạo điều kiện cho sinh viên nhanh chóng thích ứng với môi trường học tập bậc đại học tại một khu đô thị đại học xanh, có đầy đủ điều kiện phục vụ, hỗ trợ sinh viên, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, hình thành thương hiệu riêng của ĐHQGHN. Các nội dung triển khai trong đề án này đều hướng tới hỗ trợ sinh viên năm thứ nhất tại Hòa Lạc phát triển toàn diện về kĩ năng, thể chất, tư duy, đổi mới sáng tạo, năng lực, phẩm chất cá nhân, phẩm chất nghề nghiệp, có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, thích ứng với sự thay đổi, có hiểu biết sâu rộng về văn hóa, có tinh thần chủ động trong học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và sống trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội.
Chương trình đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên năm thứ nhất tại Hòa Lạc được thiết kế nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản hướng tới tăng cường các hoạt động trải nghiệm, các kỹ năng sinh tồn, kỹ năng tự phục vụ, rèn luyện ý thức kỷ luật...; tăng cường phát triển tư duy đổi mới sáng tạo, lập kế hoạch quản lý thời gian, thấu hiểu và khai phá tiềm năng bản thân, kỹ năng giao tiếp và quan hệ công chúng, định vị và xây dựng thương hiệu cá nhân, kỹ năng làm việc nhóm, quản lý tài chính cá nhân, kỹ năng giao tiếp và sử dụng ngoại ngữ, kỹ năng tin học văn phòng, vận dụng công nghệ số, am hiểu về văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, tín ngưỡng của dân tộc...


Chương trình đào tạo là sự kết hợp của hình thức đào tạo trực tiếp trên lớp và đào tạo trực tuyến trên mạnh internet, trong đó các sinh viên được đào tạo 3 kỹ năng: Kỹ năng phát triển tư duy; Kỹ năng Định vị xây dựng hình ảnh cá nhân và Kỹ năng phát triển tư duy chiến lược. Đây là những kĩ năng vô cùng cần thiết giúp người học có được những kiến thức cơ bản về tư duy chiến lược, phát triển các kỹ năng mềm trong tương lai. Song song với những giờ học trực tuyến, sinh viên cũng được trang bị, mở rộng kiến thức qua các buổi học trên lớp, đồng thời tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế. 


Tại buổi tham quan thực tế, các sinh viên năm nhất của Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN đã được tới tham quan, tìm hiểu văn hóa và giao lưu văn nghệ tại Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam, “Ngôi nhà chung” bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của cộng đồng các dân tộc toàn quốc. Tại đây, sinh viên được tham quan các quần thể Chùa Khmer, ngôi chùa Phật giáo Nam tông duy nhất tại Hà Nội; Tham quan Quần thể tháp Chăm. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm diễn ra các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam như Ngày hội Văn hóa – Du lịch tỉnh Sóc Trăng; Sắc màu văn hóa cao nguyên Đaklak. Tại ngày hội, sinh viên tại Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật đã được giao lưu, trao đổi và tìm hiểu văn hóa vùng miền qua các chương trình văn nghệ và ẩm thực của đồng bào người dân tộc.
Bạn Trần Hoàng Dung, sinh viên năm nhất ngành Quản lí giải trí và Sự kiện, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật cho biết: “Khi tham gia học tập, chúng em được tham gia các chương trình đào tạo bổ ích, chuyên sâu. Trong các học phần Phát triển tư duy và Định vị thương hiệu, chúng em được học kĩ năng làm việc độc lập, tư duy về bản thân, quản trị rủi ro, biết cách tạo thương hiệu riêng và truyền thông công chúng. Đây là những kĩ năng mềm vừa hỗ trợ cho chuyên ngành học tập của chúng em, đồng thời cũng là những kĩ năng mềm, giúp ích rất nhiều khi chúng em tốt nghiệp và tham gia thị trường lao động. Đối với chúng em, chương trình Giáo dục toàn diện cho sinh viên của ĐHQGHN vô cùng bổ ích, giúp chúng em có được cái nhìn xa hơn về định hướng của mình”.



Cũng trong khuôn khổ chương trình, đoàn cũng được tới tham quan các làng dân tộc Tày, Nùng, Mông, Lào, … để tìm hiểu về nếp sống, trang phục, đặc biệt được tham gia làm bánh truyền thống như bánh tam giác mạch, bánh dày,…


Ngọc Ánh -Song Nam - VNU Media
Theo vnu.edu.vn

Bài viết khác