Có 34 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh TT-Huế sẵn sàng hỗ trợ, bố trí việc làm cho hàng nghìn người dân là những lao động thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gặp khó khăn trở về địa phương.
Trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Hữu Phúc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh TT-Huế cho biết, sở đang tích cực liên hệ với các doanh nghiệp để tìm công việc cho các lao động là người dân địa phương trở về từ vùng dịch.
Tính đến thời điểm hiện tại, bước đầu Sở LĐ-TB&XH tỉnh TT-Huế đã liên hệ, làm việc với hàng chục doanh nghiệp trên địa bàn. Trong số đó, có 34 doanh nghiệp với hơn 7.200 vị trí việc làm sẵn sàng đón nhận lao động vào làm việc.
Theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh, tính từ thời điểm dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam bùng phát, địa phương này đã tiếp nhận gần 15.000 người dân trở về quê tránh dịch. Trong số đó, có hàng nghìn người là phụ nữ, trẻ em; các công nhân làm việc tại các nhà máy, công ty tại các tỉnh phía Nam.
Người dân TT-Huế được đón về quê trên chuyến tày 0 đồng (ngày 30/7)
Số lượng lớn người này sau khi cách ly xong trở về các địa phương sẽ là câu hỏi lớn cho ngành lao động về vấn đề việc làm, đảm bảo sinh kế cho bà con trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.
“Trong giai đoạn đầy khó khăn này, tỉnh thực hiện mục tiêu kép khi vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Trong đó, vấn đề cốt lõi là phải tạo được công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo ổn định kinh tế gia đình, phát triển kinh tế địa phương”, ông Phúc chia sẻ.
Qua rà soát ban đầu, khoảng 3.000 người là những lao động thất nghiệp trở về địa phương, có nhu cầu chuyển đổi nghề.Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, trước tình hình trên, đơn vị này đã phối hợp với các khu cách ly tập trung, các địa phương để thống kê ngành nghề bà con đang làm hiện tại và nhu cầu chuyển đổi nghề.
“Chúng tôi đã liên hệ với các doanh nghiệp có kế hoạch đào tạo nghề lại cho bà con. Một số doanh nghiệp đang có nhu cầu mở rộng quy mô và tuyển lao động mới đã đồng ý với chúng tôi về kế hoạch đào tạo nghề lại và tuyển dụng bà con.
Bên cạnh đó, sở cũng phân loại nguồn lao động, nguồn nhân lực phù hợp với ngành nghề các doanh nghiệp”, ông Phúc cho biết.
Ông Phúc cũng nhấn mạnh, đào tạo nghề sẽ giúp cho bà con bền vững trong cuộc sống hơn là hỗ trợ tiền.
“Chúng ta tạo ra “cần câu” để giúp bà con chủ động hơn trong công việc sau khi về quê từ vùng dịch”, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh TT-Huế nhấn mạnh.
Theo vietnamnet.vn